Cần làm gì khi mua nhằm xe ăn trộm?

Chào Ban biên tập, chuyện là tôi có mua lại một chiếc xe sh từ bạn của một người bạn tôi, vì nghĩ là chỗ quen biết nên tôi chồng đủ tiền rổi mới đi làm các giấy xe cần thiết. Tuy nhiên, vừa qua trong lúc vô tình khi xem báo tôi thấy có hình của chủ nhân chiếc xe mà tôi vừa mua, anh ta bị mất cách đây 02 tuần. Tôi rất lo lắng, liệu tôi có phạm vào tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không? Giờ tôi phải làm gì khi mua nhằm xe ăn trộm? Mong sớm nhận được phản hồi. Minh Hoàng ****@gmail.com

Theo như quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

=> Do đó, giao dịch dân sự mà vi phạm những điều trên thì được xem là vô hiệu. Bạn thực hiện mua bán xe do trộm cắp mà có là vi phạm quy định nêu trên và trong trường hợp này, giao dịch được coi là vô hiệu. Theo đó tại Khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự có quy định: Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, khi bạn biết là tài sản đó là do trộm cắp mà không báo công an thì lúc đấy bạn mới phạm vào tôi nêu trên. Để tránh bị vạ lây bây giờ bạn cần phải báo công an, để công an điều tra làm rõ, bạn phải giao lại xe cho công an và yêu cầu bên bán phải trả lại những gì đã nhận của bạn. Trường hợp cố tình né tránh, không trả bạn có thể khởi kiện ra Tòa.

Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

Trân trọng và chúc sức khỏe!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào