Hướng dẫn thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh. Trừ trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Việc thực hiện quyền tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật tại Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP và một số quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo đó, theo quy định tại Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 57 Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp nơi doanh nghiệp đã đăng ký chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh.
Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, kèm theo thông báo phải có quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
Bước 2: Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận hồ sơ cho doanh nghiệp sau khi tiếp nhận thông báo tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan thuế để phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Lưu ý:
- Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh.
- Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
- Doanh nghiệp có thể quay trở lại tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Thủ tục thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP và một số quy định pháp luật khác có liên quan.
- Khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng thời gửi Thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật