Có được chấm dứt hợp đồng với người lao động khi bị phạt tù cho hưởng án treo?

Công ty tôi có 1 người lao động phạm tội cố ý gây thương tích, bị Tòa án phạt tù 6 tháng nhưng cho hưởng án treo, để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh Công ty dự định chấm dứt hợp đồng với người này. Cho hỏi Công ty lấy lý do Người lao động bị kết án tù giam theo Khoản 5 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012 để chấm dứt hợp đồng có được không? Chân thành cảm ơn.

Điều 36 Bộ luật lao động 2012 quy định cac trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động bao gồm:

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

...

Theo quy định trên, khi người lao động bị kết án tù giam theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì sẽ là căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trường hợp người lao động bị phạt tù 6 tháng nhưng được hưởng án treo thì không thuộc trường hợp người lao động bị kết án tù giam.

Bản chất của án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc phải chấp hành hình phạt tù thì Toà án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 đến 5 năm. 

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (Điều 42):

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Như vậy, Công ty không thể lấy căn cứ tại Khoản 5 Điều 36 Bộ luật lao động 2012 để chấm dứt hợp đồng với người lao động được, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật thì Công ty phải thực hiện các nghĩa vụ nêu trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Án treo

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào