Xử lý tiền cọc đã đóng cho công ty xuất khẩu lao động
Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, bản chất của đặt cọc là để bảo đảm cho các bên giao kết hợp đồng. Nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng đặt cọc thì việc xử lý số tiền đặt cọc sẽ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp hợp đồng không có quy định thì giải quyết theo Bộ luật Dân sự 2015.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật, và đóng tiền 10 triệu để thi đơn. Tuy nhiên bạn không cung cấp rõ việc đặt cọc của bạn nhằm mục đích gì? Do đó, nếu bạn rút tiền để tìm nguồn công ty khác có nhiều đơn tốt hơn thì bạn cần xem xét thỏa thuận về xử lý tiền cọc trong hợp đồng giữa bạn và công ty. Nếu có thì việc xử lý số tiền đặt cọc trên sẽ theo hợp đồng, trường hợp trong hợp đồng không nhắc đến thì giải quyết theo Khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên. Theo đó, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
Trân trọng!