Mất quyền phản đối trong giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Tại Điều 13 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định mất quyền phản đối như sau:
Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án.
Tại Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Quy định Luật Trọng tài thương mại, mất quyền phản đối được hướng dẫn như sau:
- Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật TTTM quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó. Trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết.
- Trước khi xem xét yêu cầu của một hoặc các bên về việc có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài, Tòa án phải kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, quy tắc tố tụng trọng tài để xác định đối với yêu cầu đó, một hoặc các bên có mất quyền phản đối hay không mất quyền phản đối.
Trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật TTTM và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu của một hoặc các bên.
- Khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có trách nhiệm xem xét theo quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 68 Luật TTTM. Trường hợp xét thấy có đủ căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thì Tòa án có quyền quyết định ngay cả khi một hoặc các bên đã mất quyền phản đối.
Trên đây là nội dung quy định về mất quyền phản đối trong giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc