Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội được phân thành hai loại là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 3 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Xem thêm chi tiết quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật