Cuộc biểu diễn được bảo hộ quyền liên quan trong các trường hợp nào?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi tắt là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
Trong đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;
- Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;
- Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
- Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
- Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp cuộc biểu diễn thuộc các trường hợp trên đây đều được bảo hộ quyền liên quan. Mà những cuộc biểu diễn thuộc các trường hợp được trích dẫn trên đây chỉ được bảo hộ quyền liên quan với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.
Điều đó đồng nghĩa với việc các cuộc diểu diễn (dù thuộc các trường hợp được trích dẫn trên đây) sẽ không được bảo hộ quyền liên quan nếu cuộc biểu diễn đó gây phương hại đến quyền tác giả hoặc việc bảo hộ quyền liên quan đối với các cuộc biểu diễn đó sẽ gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩn đó.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật