Những quyền lợi thân nhân người đi nghĩa vụ quân sự được hưởng
Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Theo pháp luật hiện hành thì bên cạnh những chế độ dành cho người tham gia nghĩa vụ quân sự thì thân nhân của họ sẽ được hưởng những quyền lợi sau:
- Trợ cấp khó khăn đột xuất:
+ Khi nhà ở của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/suất/lần, được thực hiện không quá 02 lần/năm.
+ Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc Điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần, được thực hiện không quá 02 lần/năm.
+ Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.
Hồ sơ, trình tự, trách nhiệm và nguyên tắc giải quyết chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 95/2016/TT-BQP.
- Miễn giảm học phí: Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Hồ sơ, trình tự, trách nhiệm giải quyết và thời gian hưởng chế độ miễn học phí được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 95/2016/TT-BQP.
Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ áp dụng đối với thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự. Để hiểu rõ hơn về nội dung này bạn có thể tham khảo thêm tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, Nghị định 27/2016/NĐ-CP và Thông tư 95/2016/TT-BQP.
Trân trọng!