Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực phần sở hữu riêng của nhà chung cư có bị xử phạt không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh. Nhà chung cư bao gồm: phần sở hữu chung và phần sở hữu riêng.
Trong đó, phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là phần diện tích bên trong căn hộ hoặc bên trong phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và các thiết bị sử dụng riêng trong căn hộ hoặc trong phần diện tích khác của chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Như vậy, căn hộ thuộc sở hữu của bạn trong nhà chung cư được xác định là phần sở hữu riêng của nhà chung cư.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 thì pháp luật hiện nay nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi: Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư.
Do đó, các trường hợp cá nhân tự ý thay đổi kết cấu phần chịu lực phần sở hữu riêng trong nhà chung cư đều bị xem là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định.
Theo đó, theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì cá nhân tự ý thay đổi kết cấu phần chịu lực phần sở hữu riêng của nhà chung cư sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại Điểm a Khoản 10 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật