Kê hoạch đầu tư các dự án đầu tư công trong lĩnh vực y tế
Kê hoạch đầu tư các dự án đầu tư công trong lĩnh vực y tế quy định tại Mục III Quyết định 6226/QĐ-BYT năm 2018 quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và thiết bị y tế thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, cụ thể như sau:
3.1. Định hướng đầu tư phát triển:
Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương; chiến lược nợ quốc gia; mục tiêu ưu tiên đầu tư trong kế hoạch 05 năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương; Quy hoạch phát triển ngành; Nhu cầu và dự báo khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư; Cơ chế và chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, Các đơn vị sử dụng, các cơ quan quản lý vốn đầu tư công lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
3.2. Kế hoạch đầu tư trung hạn (5 năm):
Các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công phải được phê duyệt danh mục trong kế hoạch trung hạn. Quy định lập, thẩm định kế hoạch trung hạn thực hiện thẹo Điều 58, Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014. Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch-Tài chính đầu mối) tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn gửi Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài Chính trước ngày 15 tháng 9 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.
3.3. Kế hoạch đầu tư hằng năm:
Trước ngày 10 tháng 7 hằng năm, Chủ đầu tư gửi về Vụ Kế hoạch Tài chính (Vụ đầu mối), Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Vụ phối hợp), kế hoạch đầu tư công năm sau để thẩm định, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng. Sau khi hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công năm sau theo ý kiến kết luận của Bộ trưởng, sẽ gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định và báo cáo Chính phủ trước ngày 20 tháng 9.
3.4. Điều kiện để đăng ký kế hoạch đầu tư hàng năm:
Các dự án đầu tư chỉ được ghi kế hoạch vốn đầu tư hàng năm khi có danh mục dược phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc kế hoạch đầu tư công trung hạn điều chỉnh (nếu có).
1. Đối với dự án khởi công mới, ngoài các điều kiện trên, cần có thêm các điều kiện sau:
a) Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư đến ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch, trừ dự án khẩn cấp, dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước, tăng thu, kết dư ngân sách nhà nước và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
b) Xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối các nguồn vốn; bảo đảm bố trí đủ vốn theo tiến độ hoàn thành quy định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn;
c) Bố trí đủ vốn theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm đầu thực hiện dự án.
2. Dự án khẩn cấp và dự án cần thiết mới phát sinh bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn được bố trí vốn từ nguồn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này và phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
3. Đối với vốn chuẩn bị đầu tư hoặc dự án chuẩn bị đầu tư phải có quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền quyết định đến ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch”.
3.5. Giao kế hoạch đầu tư hàng năm:
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án, Bộ Y tế thông báo vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời gửi Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước và nhập kế hoạch vốn vào hệ thống thông tin quản lý của Bộ Kế hoạch-Đầu tư và hệ thống TABMIS của kho bạc nhà nước để làm căn cứ cấp phát thanh toán. Các chủ đầu tư trên cơ sở thông báo kế hoạch vốn được giao, làm thủ tục xin cấp phát thanh toán vốn tại kho bạc nhà nước theo quy định.
3.6. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư và xây dựng hàng năm:
Trong quá trình thực hiện dự án, nếu có nhu cầu điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư so với kế hoạch, chủ đầu tư lập báo cáo gửi Bộ Y tế về tình hình thực hiện vốn đầu tư để xác định số vốn thuộc kế hoạch năm đã thanh toán cho dự án, số vốn dự kiến thừa hoặc thiếu để có phương án điều chỉnh.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật