Làm sai lệch chỉ sổ đo đếm của công tơ điện thì bị xử lý như thế nào?
Tại Khoản 15 Điều 3 Luật Điện lực 2004 có quy định như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
..........
15. Trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số công tơ và các hành vi lấy điện gian lận khác."
Như vậy, theo quy định này thì có thể thấy việc làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ điện là hành vi trộm cắp điện bạn nhé. Đối với hành vi này thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền tùy theo mức độ. Cụ thể, mức phạt tiền được quy định tại Khoản 9, Khoản 10 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Thủ tướng Chính phủ ban hành như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng dưới 1.000kWh;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 1.000kWh đến dưới 2.000kWh;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 2.000kWh đến dưới 4.500kWh;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 4.500kWh đến dưới 6.000kWh;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 6.000kWh đến dưới 8.500kWh;
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500kWh đến dưới 11.000kWh;
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000kWh đến dưới 13.500kWh;
- Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500kWh đến dưới 16.000kWh;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000kWh đến dưới 18.000kWh;
- Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh.
- Đối với trường hợp trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, nhưng sau đó có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án của cơ quan có thẩm quyền hoặc trả lại hồ sơ thì áp dụng thời hạn xử phạt quy định tại Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền quy định tại Điểm k Khoản 9 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm d Khoản 12 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, người có hành vi trộm cắp điện còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại do hành vi trộm cắp điện gây ra.
Trên đây là nội dung trả lời về việc xử lý đối với hành vi làm sai lệch chỉ sổ đo đếm của công tơ điện. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật