Trách nhiệm của đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại kiểm toán
Trách nhiệm của đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại kiểm toán được quy định tại Điều 21 Quyết định 03/2016/QÐ-KTNN Quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành, cụ thể như sau:
1. Trách nhiệm của Văn phòng Kiểm toán nhà nước:
a) Tổ chức tiếp nhận văn bản của đơn vị được kiểm toán theo Điều 22 Quy định này;
b) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, Văn phòng gửi văn bản của đơn vị được kiểm toán đến đơn vị chủ trì kiểm toán để nghiên cứu, phân loại, xử lý, xem xét việc thụ lý hay không thụ lý giải quyết theo quy định;
2. Trách nhiệm của đơn vị chủ trì kiểm toán:
a) Tổ chức tiếp nhận văn bản của đơn vị được kiểm toán theo Điều 22 quy định này;
b) Phân tích, nghiên cứu để: phân loại; xử lý theo Điều 23, Điều 24 Quy định này;
c) Lập hồ sơ gồm: Văn bản của đơn vị được kiểm toán; phiếu đề xuất xử lý theo Mẫu số 01/KN; tuỳ theo các trường hợp cụ thể lập công văn hướng dẫn gửi đơn khiếu nại đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo Mẫu số 02/KN hoặc tùy theo các trường hợp lập thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết khiếu nại theo Điều 25 Quy định này (Mẫu số 03/KN, Mẫu số 04/KN); các tài liệu, bằng chứng liên quan;
d) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý, trường hợp phức tạp không quá 45 ngày, đơn vị tổ chức kiểm tra, xác minh; dự kiến phương án trả
lời, lập dự thảo quyết định theo Điều 26, Điều 27, Điều 28 Quy định này;
đ) Tùy từng trường hợp theo phân cấp, gửi hồ sơ đến Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế để theo dõi, tổng hợp hoặc phối hợp tham gia giải quyết theo quy định.
3. Trách nhiệm của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán:
a) Nhận hồ sơ từ đơn vị chủ trì kiểm toán gửi đến;
b) Nghiên cứu hồ sơ và có ý kiến bằng văn bản về phương án trả lời do đơn vị chủ trì kiểm toán dự kiến và gửi về Vụ Tổng hợp. Thời gian thực hiện không quá 12 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, trường hợp phức tạp không quá 20 ngày.
4. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế:
a) Nhận hồ sơ từ các đơn vị chủ trì kiểm toán gửi đến đối với trường hợp khiếu nại lần hai;
b) Nghiên cứu hồ sơ và có ý kiến bằng văn bản về phương án trả lời do đơn vị chủ trì kiểm toán dự kiến và gửi về Vụ Tổng hợp theo phân cấp tại khoản 2 Điều 19 Quy định này; Thời gian thực hiện không quá 12 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, trường hợp phức tạp không quá 20 ngày;
c) Tham mưu về công tác bồi thường thiệt hại (nếu có).
5. Trách nhiệm của Vụ Tổng hợp:
a) Nhận hồ sơ từ các đơn vị chủ trì kiểm toán;
b) Nghiên cứu hồ sơ; tổ chức kiểm tra, xác minh (nếu cần); dự kiến phương án trả lời. Thời gian thực hiện không quá 12 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, trường hợp phức tạp không quá 20 ngày;
c) Tổng hợp các phương án giải quyết của các đơn vị liên quan; dự thảo quyết định theo Mẫu số 10.1/KN hoặc Mẫu số 10.2/KN trình lãnh đạo Kiểm toán nhà nước xem xét, cho ý kiến trước khi hoàn thiện chuyển đến người có thẩm quyền ký quyết định giải quyết khiếu nại.
Thời hạn thực hiện không quá 10 ngày làm việc; trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa đơn vị chủ trì kiểm toán, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Vụ Pháp chế thì thời hạn thực hiện không quá 13 ngày, đối với trường hợp phức tạp không quá 20 ngày;
c) Tổ chức theo dõi chặt chẽ việc tiếp nhận và giải quyết để xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong Ngành; tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật