Xây dựng đề án vị trí việc làm của ngạch công chức được quy định ra sao?
Xây dựng đề án vị trí việc làm của ngạch công chức được quy định tại Điều 10 Thông tư 05/2013/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 36/2013/NĐ-CP về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành, cụ thể như sau:
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là Bộ), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Hàng năm, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm rà soát về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Nếu có sự thay đổi về tổ chức, về nhiệm vụ, về số lượng, khối lượng công việc, thì xây dựng đề án điều chỉnh vị trí việc làm theo các trường hợp quy định tại Điều 12 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP. Nếu các cơ quan, tổ chức, đơn vị không gửi công văn và đề án đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh vị trí việc làm theo quy định thì giữ ổn định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đã được phê duyệt.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm của đơn vị mình theo Phụ lục số 7 về đề án (mẫu) ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bộ, tỉnh tổng hợp danh mục vị trí việc làm, biên chế và cơ cấu ngạch công chức theo các phụ lục số: 8, 9 và 10 ban hành kèm theo Thông tư này.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật