Cách đòi lại tiền làm thêm khi chủ không trả?
PG, PB là công việc được nhiều sinh viên lựa chọn bởi mức lương cũng khá cao, công việc mang nhiều thử thách và được rèn luyện nhiều kĩ năng. Tuy nhiên, do công việc chỉ mang tính thời vụ, không được giao kết hợp đồng bằng văn bản nên tình trạng người làm công dễ bị nợ lương, quỵt lương xảy ra phổ biến.
Theo quy định tại Điều 15, 16 Bộ luật Lao động 2012 thì Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Về hình thức trả lương: Điều 94 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
1. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.
Về kỳ hạn trả lương: Điều 95 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
1. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Người sử dụng khi trả lương phải tuân thủ nguyên tắc trả lương tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2012, cụ thể:
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Lý do đặc biệt ở đây xảy ra trong trường hợp: Thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận (Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP).
Như vậy, công việc của bạn có tính chất thời vụ nên các bên có thể giao kết hợp đồng thời vụ bằng lời nói. Ở đây, người sử dụng lao động khi kết thúc chương trình PB mà không trả lương cho nhân viên là đã vi phạm về nghĩa vụ trả lương. Để bảo vệ quyền lợi của mình bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Công ty đóng trụ sở hoặc khiếu nại lên Thanh tra lao động. Vì số tiền của bạn không lớn nên để đơn giản hơn cho bạn về mặt thủ tục thì bạn nên chọn phương án số 2 là khiếu nại lên Thanh tra lao động để được giải quyết, trong đơn có thể kèm theo các bằng chứng về việc giao kết như tin nhắn, cuộc gọi đi làm hoặc một số hình ảnh chụp lại trong thời gian bạn làm việc.
Thân ái!