Xác định nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 75/2018/TT-BTC quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có quy định như sau:
1. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đang sử dụng trước ngày các Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi có hiệu lực thi hành, việc xác định nguyên giá tài sản thực hiện như sau:
a) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đã có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản thì sử dụng giá trị đã có để ghi sổ kế toán.
b) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi không có thông tin về giá trị tài sản:
- Trường hợp có tài sản tương đương (về quy mô, cấp độ kỹ thuật) và có giá trị quyết toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật thì sử dụng giá trị của tài sản tương đương làm nguyên giá tài sản.
- Trường hợp không có tài sản tương đương thì sử dụng giá trị quy ước do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông thủy lợi) quyết định để làm nguyên giá tài sản. Khi kê khai, đăng nhập thông tin tài sản loại này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công phải ghi rõ nguyên giá tài sản là giá quy ước và được theo dõi, báo cáo riêng. Giá quy ước được sử dụng để xác định giá trị tài sản để ghi sổ kế toán, không sử dụng để xác định giá trị hao mòn, chi phí khấu hao quy định tại Điều 9 Thông tư này.
2. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi hoàn thành, đưa vào sử dụng kể từ ngày các Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi có hiệu lực thi hành thì nguyên giá tài sản ghi sổ kế toán là giá trị mua sắm, giá trị quyết toán được phê duyệt theo quy định.
3. Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng mới, hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa có quyết toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì sử dụng nguyên giá tạm tính để ghi sổ kế toán. Nguyên giá tạm tính trong trường hợp này được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau: Giá trị đề nghị quyết toán; giá trị xác định theo Biên bản nghiệm thu A-B; giá trị dự toán Dự án đã được phê duyệt. Khi có quyết toán được phê duyệt, cơ quan kế toán phải thực hiện điều chỉnh giá trị đã hạch toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
4. Thay đổi nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi
a) Nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được thay đổi trong các trường hợp sau:
- Đánh giá lại giá trị tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Thực hiện nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản mà các bộ phận này được quản lý theo tiêu chuẩn của một tài sản hữu hình;
- Bị hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác phải hạch toán giảm nguyên giá theo quy định của pháp luật.
b) Khi phát sinh việc thay đổi nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện lập Biên bản ghi rõ căn cứ thay đổi nguyên giá; đồng thời xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, số hao mòn lũy kế của tài sản để điều chỉnh sổ kế toán và thực hiện hạch toán kế toán theo quy định hiện hành.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật