Về hưu trước tuổi do tinh giản biên chế được quyền lợi gì?
Tinh giản biên chế (TGBC) trong Nghị định 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP) được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện TGBC.
1. Đối tượng TGBC: Là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các trường hợp sau:
- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự;
- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác...;
- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm...;
- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao...;
- 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét TGBC, cán bộ, công chức:
+ Hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế năng lực
+ 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp
+ Không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét TGBC, cá nhân tự nguyện và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
- 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét TGBC, viên chức:
+ 01 năm hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp
+ Không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét TGBC, cá nhân tự nguyện và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc >= số ngày nghỉ tối đa do ốm đau mà Luật BHXH quy định hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét TGBC có tổng số ngày nghỉ làm việc >= số ngày nghỉ tối đa do ốm đau Luật BHXH quy định, cá nhân tự nguyện thực hiện TGBC và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện TGBC và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
(Theo Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Khoản 5 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP)
2. Các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế :
- Những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
- Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Theo Điều 7 Nghị định 108/2014/NĐ-CP)
3. Chính sách về hưu trước tuổi:
3.1. Nếu đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH, còn được hưởng các chế độ sau:
- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại điểm b khoản 1 Điều 54 Luật BHXH;
- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
3.2. Nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí; Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54 Luật BHXH.
3.3. Nếu trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
3.4. Nếu trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
(Theo Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP)
4. Cách tính trợ cấp:
- Tiền lương tháng quy định tại Nghị định trên được tính bao gồm: Tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật.
- Tiền lương tháng để tính các chế độ trợ cấp được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản. Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 5 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác, thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.
- Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh của đối tượng.
- Thời gian để tính trợ cấp là thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức có đóng BHXH bắt buộc, nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ BHXH một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ. Nếu thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là 1/2 năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm.
(Theo Khoản 1, 2 Điều 12 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Khoản 8 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP)
5. Trách nhiệm hoàn trả:
- Những người đã được hưởng chính sách TGBC nếu được tuyển dụng thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận (trừ phí học nghề).
- Khi thực hiện TGBC không đúng đối tượng, người đã hưởng chính sách TGBC và cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người đó có trách nhiệm như sau:
+ Người đã hưởng chính sách TGBC phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Trường hợp người đó đã mất trong thời gian nghỉ hưởng chế độ BHXH thì sẽ không phải hoàn trả kinh phí đã nhận, số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách nhà nước không bổ sung kinh phí.
+ Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan BHXH dừng thanh toán chế độ BHXH cho người thực hiện TGBC không đúng quy định; chuyển cho cơ quan BHXH số kinh phí đã chi trả...
(Theo 3 Điều 12 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Khoản 8 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP)
Trên đây là nội dung tư vấn về chính sách về hưu trước tuổi do tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP). Hy vọng những nội dung này sẽ làm sáng tỏ những vướng mắc của bạn.
Trân trọng!