Gia nhập Hội luật gia cần điều kiện gì?
Như chúng ta đã biết, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước.
- Tôn chỉ, mục đích của Hội Luật gia Việt Nam (Điều 1 Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam):
Hội Luật gia Việt Nam đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia đã và đang làm công tác pháp luật trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân, tự nguyện hoạt động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hội Luật gia Việt Nam mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức luật gia trên thế giới và các tổ chức khác theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước vì mục đích chung là hoà bình, hợp tác và phát triển.
- Điều 4 Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1004 /QĐ –BNV năm 2010 quy định về tiêu chuẩn hội viên Hội luật gia như sau:
+ Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 1 của Điều lệ này với thời gian từ ba năm trở lên, tán thành điều lệ Hội đều có thể được gia nhập Hội.
+ Công dân Việt Nam không có điều kiện hoặc không đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức của Hội, tán thành Điều lệ Hội, có công đóng góp cho Hội và tự nguyện xin vào Hội có thể được công nhận là Hội viên danh dự của Hội.
Như vậy, em mới ra trường thì để được gia nhập Hội luật gia em phải làm công tác pháp luật trong các cơ quan, tổ chức ít nhất là 3 năm thì sẽ được gia nhập Hội. Trường hợp chưa công tác đủ 3 năm nhưng em đáp ứng được các điều kiện khác của Hội thì có thể được xem xét công nhận là thành viên danh dự.
Về hoạt động: Luật gia không có chứng chỉ hành nghề, ngoài công việc chính tại các cơ quan, tổ chức, họ có thể tham gia hoạt động nghề nghiệp tại Trung tâm trợ giúp pháp lý với vai trò cộng tác viên hoặc là tư vấn viên, cộng tác viên tại các Trung tâm tư vấn pháp luật. Việc hoạt động nghề nghiệp này của Luật gia tuân theo Luật trợ giúp pháp lý 2017 và Nghị định của Chính phủ về hoạt động tư vấn pháp luật.
Trân trọng!