Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty bảo hiểm
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các tổ chức, cá nhân có thể xin Giấy phép thành lập và hoạt động công ty cổ phần bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, hợp tác xã bảo hiểm hoặc tổ chức bảo hiểm tương hỗ để hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty bảo hiểm khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 63 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 được bổ sung bởi Khoản 8 Điều 1 Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010 thì các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động bao gồm:
1. Có số vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP thì vốn pháp đinh của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cụ thể như sau:
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:
- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:
- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của chi nhánh nước ngoài:
- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 200 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 250 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 300 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp tái bảo hiểm:
- Kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 700 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh cả 3 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.100 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:
- Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 8 tỷ đồng Việt Nam.
2. Có hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định
Theo quy định tại Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 thì hồ sơ bao gồm:
- Đơn xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
- Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;
- Phương án hoạt động năm năm đầu, trong đó nêu rõ phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và lợi ích kinh tế của việc thành lập doanh nghiệp;
- Danh sách, lý lịch, các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người quản trị, người điều hành doanh nghiệp;
- Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên; tình hình tài chính và những thông tin khác có liên quan đến các tổ chức, cá nhân đó;
- Quy tắc, điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm của loại sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành.
3. Có loại hình doanh nghiệp và điều lệ phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 và các quy định khác của pháp luật
Theo quy định tại Điều 59 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 thì Các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:
- Doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước;
- Công ty cổ phần bảo hiểm;
- Tổ chức bảo hiểm tương hỗ;
- Doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh;
- Doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài.
4. Người quản trị, người điều hành có năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm.
5. Tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải có đủ năng lực tài chính và có bằng chứng để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp khi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật