Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được thành lập theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bắt buộc phải luôn duy trì khả năng thanh toán của mình trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp.
Pháp luật đồng thời quy định một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ theo quy định và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định của Chính phủ; hoặc bị coi là có nguy cơ mất khả năng thanh toán khi biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp đó thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định Chính phủ.
Như vậy, việc xác định biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và biên khả năng thanh toán tối thiểu là vô cùng quan trọng trong việc xác định một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có đủ khả năng thanh toán hay không.
Theo đó, theo quy định tại Điều 65 Nghị định 73/2016/NĐ-CP thì biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán. Các tài sản tính biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải bảo đảm tính thanh khoản. Các tài sản bị loại trừ toàn bộ hoặc một phần khi tính biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Thông tư 50/2017/TT-BTC thì tính thanh khoản của các tài sản khi tính biên khả năng thanh toán được xác định như sau:
Đối với các tài sản được chấp nhận toàn bộ giá trị hạch toán:
- Các khoản tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, tiền đang chuyển, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
- Các tài sản tương ứng với các hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí tự nguyện;
- Tài sản tái bảo hiểm (trừ tài sản tái bảo hiểm tương ứng với dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm của các hợp đồng nhượng tái bảo hiểm không tuân thủ quy định của pháp luật về nhượng tái bảo hiểm);
- Tạm ứng từ giá trị hoàn lại.
Đối với các tài sản bị loại trừ một phần giá trị hạch toán sau khi trừ đi các khoản trích lập dự phòng và giá trị hao mòn lũy kế theo quy định của pháp luật (nếu có):
- Các tài sản đầu tư (trừ các khoản đầu tư quy định tại tiết g, điểm 2.3, khoản 2 Điều này):
+ Trái phiếu doanh nghiệp có đảm bảo: loại trừ 1% giá trị hạch toán;
+ Trái phiếu doanh nghiệp không có đảm bảo: loại trừ 3% giá trị hạch toán;
+ Cổ phiếu được niêm yết, chứng chỉ quỹ: loại trừ 15% giá trị hạch toán;
+ Cổ phiếu không được niêm yết: loại trừ 20% giá trị hạch toán;
+ Đầu tư vào bất động sản do chính doanh nghiệp sử dụng: loại trừ 8% giá trị hạch toán;
+ Đầu tư vào bất động sản để cho thuê: loại trừ 15% giá trị hạch toán;
+ Vốn góp vào các doanh nghiệp khác (trừ vốn góp để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm từ nguồn vốn chủ sở hữu): loại trừ 20% giá trị hạch toán.
- Các khoản phải thu:
+ Phải thu phí bảo hiểm gốc quá hạn từ 90 ngày đến dưới 01 năm: loại trừ 30% giá trị hạch toán;
+ Phải thu phí bảo hiểm gốc quá hạn từ 01 năm đến dưới 02 năm sau khi trừ đi các khoản trích lập dự phòng nợ khó đòi tương ứng theo quy định của pháp luật: loại trừ 50% giá trị hạch toán;
+ Phải thu liên quan đến hoạt động nhận, nhượng tái bảo hiểm (sau khi bù trừ các khoản phải thu, phải trả của cùng một tổ chức nhượng, nhận tái bảo hiểm trong cùng kỳ đối chiếu) quá hạn từ 90 ngày đến dưới 01 năm: loại trừ 30%. Trường hợp kết quả bù trừ giữa các khoản phải thu và các khoản phải trả âm (-): loại trừ 0%;
+ Phải thu liên quan đến hoạt động nhận, nhượng tái bảo hiểm (sau khi bù trừ các khoản phải thu, phải trả của cùng một tổ chức nhượng, nhận tái bảo hiểm trong cùng kỳ đối chiếu) quá hạn từ 01 năm đến dưới 02 năm: loại trừ 50%. Trường hợp kết quả bù trừ giữa các khoản phải thu và các khoản phải trả âm (-): loại trừ 0%;
- Tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình là phần mềm máy tính, quyền sử dụng đất và hàng tồn kho: loại trừ 25% giá trị hạch toán;
- Tài sản khác: loại trừ 15% giá trị hạch toán.
Đối với các tài sản bị loại trừ toàn bộ giá trị hạch toán sau khi trừ đi các khoản trích lập dự phòng và giá trị hao mòn lũy kế theo quy định của pháp luật (nếu có):
- Các khoản vốn góp để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm khác từ nguồn vốn chủ sở hữu;
- Các khoản nợ không có khả năng thu hồi theo quy định của pháp luật;
- Tài sản cố định vô hình trừ phần mềm máy tính, quyền sử dụng đất;
- Chi phí trả trước, các khoản tạm ứng (trừ tạm ứng từ giá trị hoàn lại), trang thiết bị và đồ dùng văn phòng, các khoản phải thu nội bộ;
- Phải thu phí bảo hiểm gốc quá hạn từ 02 năm trở lên;
- Phải thu liên quan đến hoạt động nhận, nhượng tái bảo hiểm (sau khi bù trừ các khoản phải thu, phải trả của cùng một tổ chức nhượng, nhận tái bảo hiểm trong cùng kỳ đối chiếu) quá hạn từ 02 năm trở lên;
- Các khoản đầu tư trở lại cho cổ đông (thành viên) góp vốn hoặc người có liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp, trừ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng;
- Các khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài chưa thu hồi được trong vòng 01 năm kể từ khi quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có hiệu lực;
- Các khoản đầu tư vào các tài sản vượt quá hạn mức quy định của pháp luật;
- Tài sản tái bảo hiểm tương ứng với dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm của các hợp đồng nhượng tái bảo hiểm không tuân thủ quy định của pháp luật về nhượng tái bảo hiểm.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật