Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Theo quy định pháp luật thì các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; tác phẩm báo chí; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm sân khấu; tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; tác phẩm nhiếp ảnh; tác phẩm kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ quyền tác giả nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 thì Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm sau đây:
- Tác phẩm khuyết danh, trừ trường hợp tác phẩm khuyết danh do tổ chức, cá nhân đang quản lý;
- Tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản;
- Tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật