Phải nộp tạm ứng viện phí trước khi cấp cứu thì có hợp lý?
Có thể nói rằng việc đòi hỏi như vậy không hợp cả về tình và về lý. Bởi lẽ, ai nếu mua BHYT thì sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp cho một mã thẻ BHYT và không trùng với bất kỳ ai. Do đó, chỉ cần đọc mã thẻ của một người là có thể tra cứu, tìm được người đó đã mua BHYT hay chưa? Thứ hai, theo quy định hiện nay thì trẻ em dưới 6 tuổi, không phân biệt dân tộc, nơi cư trú sẽ được hưởng chính sách khám, chữa bệnh miễn phí và đều được cấp thẻ BHYT, do đó chỉ bằng mắt thường có thể xác định được đây là đối tượng được miễn viện phí nếu đến cơ sở y tế công lập hoặc cơ sở y tế tư nhân nhưng có đăng ký khám, chữa bệnh BHYT.
Việc y bác sĩ đã biết chắc là trẻ em dưới 6 tuổi mà còn nằng nặc đòi xuất trình cho bằng được thẻ BHYT để chứng minh việc có hay không có thẻ BHYT là bất hợp lý và quá đáng. Lý do đơn giản là đương nhiên trẻ em dưới 6 tuổi là được cấp thẻ BHYT miễn phí, chỉ vì quên mang theo hoặc do cơ quan chức năng chưa cấp kịp mà thôi, trường hợp chưa được cấp có thể dùng giấy tờ khác như giấy khai sinh, hộ khẩu, xác nhận của UBND cấp xã là có thể tạm thời chấp nhận.
Người xưa nói: “Cứu người hơn cứu hỏa” thật chẳng sai, tính mạng con người là quan trọng nhất, là trên hết, điều này từ lâu đã được ngành y và đội ngũ y bác sĩ, coi như là phương châm hành động của mình. Xã hội cũng vậy, tư tưởng “cứu người hơn cứu hỏa” đã được thấm sâu vào máu của mỗi người dân Việt. Với sự kiện bất ngờ, phải cấp cứu gấp nên việc không mang theo giấy tờ, tiền bạc là điều hoàn toàn bình thường. Trở lại trường hợp trên, nếu không có thẻ BHTY lại không mang theo tiền thì không biết phải làm sao? Theo như đòi hỏi của y bác sĩ ở đây thì nếu bệnh nhân nguy hiểm đến tính mạng cũng bị bỏ mặc?
Tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong ngành y đã được dư luận phản ánh, lên án gay gắt thời gian gần đây phần nào đã cải thiện theo hướng tích cực, được xã hội rất hoan nghênh, đón nhận. Tuy nhiên, tình trạng máy móc, rập khuôn, thủ tục hành chính cứng nhắc, vô cảm đối với người bệnh vẫn còn khá phổ biến, việc khắc phục còn chậm, thậm chí ở một số nơi ngày càng trầm trọng hơn so với trước.
Do đó, ngành y tế cần xem xét, sớm chấn chỉnh tình trạng vô cảm, máy móc, nhất là đơn giản hơn trong thủ tục hành chính, quy trình tiếp nhận bệnh nhân, nhất là những trường hợp cấp cứu, khẩn cấp. Điều này không những mang lại niềm tin cho người dân đối với ngành y tế mà còn góp phần bảo vệ hình ảnh, tôn vinh sự hy sinh không mệt mỏi của phần đông đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm, tận tâm, tận lực cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên khắp mọi miền đất nước.
Thư Viện Pháp Luật