Các hình thức thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế
Các hình thức thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế được quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2018/TT-BYT quy định về thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 01/11/2018) như sau:
1. Thu hồi tự nguyện là việc thu hồi sản phẩm do tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm (sau đây gọi tắt là chủ sản phẩm), tự nguyện thực hiện khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ảnh của tổ chức, cá nhân về sản phẩm không bảo đảm an toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Thu hồi bắt buộc là việc chủ sản phẩm thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền sau đây:
a) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố hoặc cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm);
b) Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về các hình thức thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 23/2018/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật