Bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác

Nhờ được giải đáp giúp vấn đề liên quan tới việc khai thác nước dưới lòng đất. Cụ thể Ban tư vấn cho tôi hỏi bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn! Trọng Nhân - Bình Dương

Bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác được quy định tại Điều 8 Thông tư 75/2017/TT-BTNMT về quy định bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, theo đó: 

1. Chủ công trình khai thác nước dưới đất có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh xung quanh giếng khai thác và thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa ô nhiễm nước dưới đất qua giếng khoan khai thác.

2. Chủ công trình khai thác nước dưới đất phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt phải xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh của công trình theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

3. Chủ công trình khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất tổ chức lắp đặt thiết bị, bố trí nhân lực thực hiện việc quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước tại các giếng khai thác, giếng quan trắc của công trình bảo đảm thông số, hình thức và chế độ quan trắc để cung cấp, cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Việc quan trắc mực nước tại giếng quan trắc của công trình khai thác phải được thực hiện tối thiểu tại 01 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm đến dưới 5.000 m3/ngày đêm; tối thiểu tại 02 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 5.000 m3/ngày đêm đến dưới 10.000 m3/ngày đêm; tối thiểu tại 03 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên.

4. Phát hiện, xử lý, khắc phục các hiện tượng, sự cố bất thường về chất lượng nước, mực nước trong quá trình khai thác và các sự cố khác do hoạt động khai thác của mình gây ra; trường hợp xảy ra sự cố thì phải dừng ngay việc khai thác, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại (nếu có); thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi xảy ra sự cố và báo cáo cơ quan cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.

Trên đây là tư vấn về bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 75/2017/TT-BTNMT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào