Ủy ban nhân dân các cấp có nhiệm kỳ là bao lâu?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.
Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, thì Ủy ban nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Ủy ban nhân dân khóa mới.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong.
Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Như vậy, kết luận: Nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp là 05 năm.
Trường hợp nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân kéo dài hoặc rút ngắn theo quyết định của Quốc hội (theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội) thì nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân cũng cấp cũng được kéo dài và rút ngắn tương ứng.
Tuy nhiên, khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, thì Ủy ban nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Ủy ban nhân dân khóa mới.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật