Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hủy quyết định xử phạt

Hiện tại tôi đang tìm hiểu về quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính thuế. Trong quá trình tìm hiểu tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, những trường hợp nào không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hủy quyết định xử phạt? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Ngọc Thạch (076***)

Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hủy quyết định xử phạt được quy định tại Điều 26 Thông tư 166/2013/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:

1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại Điều 5 Thông tư này.

b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính về thuế.

c) Đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Điều 4 Thông tư này hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 27 Thông tư này.

d) Cá nhân vi phạm hành chính về thuế đã chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã có quyết định giải thể, quyết định tuyên bố phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt.

đ) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

2. Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

3. Hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp sau đây:

a) Người ra quyết định xử phạt không đúng thẩm quyền quy định.

b) Quyết định xử phạt trong các trường hợp quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều này.

c) Cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định khởi tố vụ án đối với trường hợp nêu tại Điểm đ, Khoản 1 Điều này.

Trên đây là nội dung quy định về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hủy quyết định xử phạt. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 166/2013/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào