Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với cá nhân

Trả lời giúp tôi các câu hỏi sau đây: 1. Điều kiện cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với cá nhân? 2. Hồ sơ cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với cá nhân? 3. Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với cá nhân? Xin cảm ơn!

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải có giấy phép tiến hành công việc bức xạ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Cá nhân được tiến hành các công việc bức xạ dưới đây không phải xin cấp giấy phép:

- Sản xuất, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, đóng gói, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ có hoạt độ từ mức miễn trừ cấp phép trở xuống;

- Sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ thuộc danh mục không phải xin cấp giấy phép.

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

1. Điều kiện cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với cá nhân:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 Luật năng lượng nguyên tử 2008 thì cá nhân có đủ các điều kiện quy định sau đây thì được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ:

- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

- Tiến hành công việc bức xạ phù hợp với đăng ký hành nghề hoặc đăng ký kinh doanh;

- Có trình độ chuyên môn phù hợp;

- Đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh đối với từng công việc bức xạ cụ thể theo quy định của Luật này;

- Hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hồ sơ xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với cá nhân:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 76 Luật năng lượng nguyên tử 2008 thì hồ sơ xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ có các tài liệu sau đây:

- Đơn xin cấp giấy phép;

- Số lượng, loại, đặc tính, xuất xứ và mục đích sử dụng của chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

- Tài liệu chứng minh đủ điều kiện về nhân lực; kế hoạch đào tạo, huấn luyện nhân lực;

- Báo cáo đánh giá an toàn hoặc báo cáo phân tích an toàn đối với từng công việc bức xạ cụ thể;

- Quy trình bảo đảm chất lượng;

- Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân đối với từng công việc bức xạ cụ thể;

- Dự kiến hệ thống hồ sơ lưu giữ và hệ thống báo cáo.

3. Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với cá nhân:

Thẩm quyền cấp giấy phép được quy định như sau:

- Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, trừ trường hợp quy định tại các điểm b, c và d Điều này;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;

- Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ trên cơ sở kết quả thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;

- Bộ Công thương cấp giấy phép vận hành thử và vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia.

Thủ tục cấp giấy phép:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét cấp giấy phép trong thời hạn sau đây:

- 15 ngày làm việc đối với nhập khẩu, xuất khẩu;

- 30 ngày đối với thiết bị X-quang sử dụng trong y tế;

- 60 ngày đối với các công việc bức xạ khác, trừ giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Trường hợp không cấp giấy phép thì chậm nhất trong thời hạn trên đây, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào