Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân khác có liên quan

Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Trong quá trình làm việc, tôi gặp một số vướng mắc liên quan đến xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thuế mong được giải đáp. Cho tôi hỏi, hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân khác có liên quan được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Hương Yến (093***)

Căn cứ theo Điều 15 Thông tư 166/2013/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì:

1. Tổ chức, cá nhân liên quan có hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 14 Thông tư này) thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền, cụ thể như sau:

a) Phạt tiền 3.750.000 đồng đối với cá nhân, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền tối thiểu không thấp hơn 2.500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền tối đa không vượt quá 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền 7.500.000 đồng đối với tổ chức, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền tối thiểu không thấp hơn 5.000.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền tối đa không vượt quá 10.000.000 đồng.

2. Tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; tài khoản của đối tượng nợ thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước theo quy định của Luật quản lý thuế thì bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Bên bảo lãnh việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho người nộp thuế theo nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp người nộp thuế không nộp các khoản nêu trên vào tài khoản của ngân sách nhà nước.

Căn cứ hồ sơ bảo lãnh nộp thuế, cơ quan thuế thông báo số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có), thời hạn nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp cho bên bảo lãnh biết để thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước thay cho người được bảo lãnh.

Trường hợp, đến thời hạn nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt mà người nộp thuế không thực hiện nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) vào ngân sách nhà nước, bên bảo lãnh chưa nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho người nộp thuế theo cam kết tại văn bản bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải trả tiền chậm nộp theo mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp và bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 166/2013/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào