Các trường hợp được thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa khi vắng mặt người khai hải quan
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì kiểm tra thực tế hàng hóa là một trong các thủ tục hải quan cần thiết.
Về nguyên tác, việc kiểm tra thực tế hàng hóa do công chức hải quan thực hiện trực tiếp hoặc bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác.
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải có mặt của người khai hải quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ sau khi đăng ký tờ khai hải quan và hàng hóa đã được đưa đến địa điểm kiểm tra.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định theo Luật định thì thủ trưởng cơ quan hải quan nơi lưu giữ hàng có quyền quyết định thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan nhưng.
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về hải quan.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Hải quan 2014 thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan do thủ trưởng cơ quan hải quan nơi lưu giữ hàng hóa quyết định và chịu trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
- Để bảo vệ an ninh;
- Để bảo vệ vệ sinh, môi trường;
- Có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu mà người khai hải quan không đến làm thủ tục hải quan;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Hình thức kiểm tra:
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan được tiến hành dưới các hình thức:
- Kiểm tra không xâm nhập qua máy soi;
- Kiểm tra bằng thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác của cơ quan hải quan;
- Mở hàng hóa để kiểm tra trực tiếp với sự chứng kiến của đại diện cơ quan nhà nước tại khu vực cửa khẩu, đại diện doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi. Việc kiểm tra phải được lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật