Khi nào thì thực hiện đánh giá viên chức?
Theo quy định của pháp luật thì viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Còn viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải là công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.
Trong quá trình công tác của viên chức, cơ quan có thẩm quyền tổ chức đánh giá viên chức, viên chức quản lý để làm căn cứ tiếp tục bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức.
Thời gian đánh giá viên chức, viên chức quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 41 Luật Viên chức 2010 thì thời gian đánh giá viên chức, viên chức quản lý cụ thể như sau:
- Thực hiện hàng năm;
- Thực hiện khi kết thúc thời gian tập sự;
- Thực hiện trước khi ký tiếp hợp đồng làm việc;
- Thực hiện khi thay đổi vị trí việc làm;
- Thực hiện khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, đào tạo, bồi đường.
Nội dung đánh giá như sau:
Đối với viên chức:
- Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết;
- Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp;
- Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức;
- Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.
Đối với viên chức quản lý:
- Các nội dung đánh giá viên chức kể trên.
- Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
- Kết quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật