Cách trình bày số và ký hiệu văn bản trong văn bản của Đảng
Căn cứ quy định tại Điểm 1.3 Khoản 1 Mục II Hướng dẫn 36-HD/VPTW năm 2018 về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản của Đảng do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ban hành thì số và ký hiệu văn bản là một trong những thành phần thể thức bắt buộc khi trình bày văn bản của Đảng. Theo đó, việc trình bày số và ký hiệu văn bản được hướng dẫn cụ thể như sau:
1.3.1. Thể thức
a) Số văn bản là số thứ tự của văn bản được đăng ký, quản lý tại văn thư cơ quan. Cụ thể:
- Số văn bản của đại hội đảng các cấp ghi liên tục từ số 01 chung cho tất cả các tên loại văn bản của đại hội, đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu, ban kiểm phiếu kể từ ngày khai mạc đại hội (tính từ khi bắt đầu phiên trù bị) đến hết ngày bế mạc đại hội.
- Số văn bản của cấp uỷ, cơ quan, tổ chức đảng được lập theo quyết định của cấp uỷ (gồm: cơ quan tham mưu, giúp việc, đảng đoàn, ban cán sự đảng, ban chỉ đạo, tiểu ban, hội đồng…), các đơn vị được lập theo quyết định của cơ quan, tổ chức đảng các cấp ghi liên tục từ số 01 cho mỗi tên loại văn bản trong một nhiệm kỳ cấp uỷ.
Nhiệm kỳ cấp uỷ được tính từ ngày liền kề sau ngày bế mạc đại hội lần này đến hết ngày bế mạc đại hội lần kế tiếp. Trường hợp hội nghị cấp uỷ lần thứ nhất diễn ra trong thời gian đại hội thì nhiệm kỳ cấp uỷ mới được tính từ ngày khai mạc hội nghị cấp uỷ lần thứ nhất.
- Số văn bản của liên cơ quan ban hành ghi liên tục với số văn bản cùng tên loại của cơ quan, tổ chức chủ trì.
- Số văn bản mật ghi liên tục với số văn bản không mật cùng tên loại văn bản.
b) Ký hiệu văn bản gồm nhóm chữ viết tắt của tên loại văn bản và tên cơ quan ban hành văn bản.
- Ký hiệu tên loại văn bản là chữ cái đầu các âm tiết của tên loại văn bản, như: NQ (nghị quyết), CT (chỉ thị), KL (kết luận), QC (quy chế), BC (báo cáo)…
Ký hiệu một số tên loại văn bản thống nhất như sau:
Quyết định: QĐ
Quy định: QĐi
Chỉ thị: CT
Chương trình: CTr
Thông tri: TT
Tờ trình: TTr
- Ký hiệu tên cơ quan ban hành văn bản là những chữ cái đầu các âm tiết của tên cơ quan ban hành văn bản.
+ Ký hiệu tên cơ quan ban hành văn bản của đại hội đảng các cấp (gồm: đại hội, đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu, ban kiểm phiếu) ghi chung chữ viết tắt là "ĐH".
Ví dụ 1: Báo cáo của đại hội
Số 16-BC/ĐH
Ví dụ 2: Biên bản của ban kiểm phiếu
Số 18-BB/ĐH
+ Ký hiệu tên cơ quan ban hành văn bản của cấp uỷ, cơ quan, tổ chức đảng các cấp ghi chữ viết tắt tên cấp uỷ, cơ quan, tổ chức đảng đó.
Ví dụ 1: Quyết định của Ban Kinh tế Trung ương
Số 246-QĐ/BKTTW
Ví dụ 2: Hướng dẫn của tỉnh uỷ
Số 15-HD/TU
Ví dụ 3: Công văn của ban tổ chức tỉnh uỷ
Số 357-CV/BTCTU
Ví dụ 4: Báo cáo của huyện uỷ
Số 76-BC/HU
+ Ký hiệu tên cơ quan ban hành văn bản của liên cơ quan ban hành ghi chữ viết tắt tên các cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
Ví dụ: Quy chế của liên cơ quan ban tổ chức tỉnh uỷ và ban dân vận tỉnh uỷ
Số 05-QC/BTCTU-BDVTU
Ký hiệu một số tên cơ quan ban hành văn bản thống nhất như sau:
* Các đảng uỷ và chi bộ
Đảng uỷ quân sự: ĐUQS; riêng Quân uỷ Trung ương: QUTW
Đảng uỷ công an: ĐUCA
Đảng uỷ biên phòng: ĐUBP
Đảng uỷ khối: ĐUK
Các đảng uỷ khác: ĐU
Chi bộ: CB
* Các cơ quan tham mưu, giúp việc
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương: UBKTTW
Ban tổ chức tỉnh uỷ: BTCTU
Ban tuyên giáo huyện uỷ: BTGHU
* Đảng đoàn: ĐĐ
* Ban cán sự đảng: BCSĐ
* Ban chỉ đạo: BCĐ
* Tiểu ban: TB
* Hội đồng: HĐ
1.3.2. Kỹ thuật trình bày
Số văn bản viết bằng chữ số Ả-rập. Số văn bản nhỏ hơn 10 phải ghi số 0 phía trước; giữa số và ký hiệu có dấu gạch nối (-), giữa chữ viết tắt tên loại văn bản và chữ viết tắt tên cơ quan ban hành văn bản có dấu gạch chéo (/), giữa chữ viết tắt của liên cơ quan ban hành văn bản có dấu gạch nối (-).
Số và ký hiệu văn bản trình bày cân đối dưới tên cơ quan ban hành văn bản (ô số 3, Phụ lục 1).
Trên đây là nội dung quy định về cách trình bày số và ký hiệu văn bản trong văn bản của Đảng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Hướng dẫn 36-HD/VPTW năm 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật