Quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp
Quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp được quy định tại Điều 12 và Điều 13 Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004 như sau:
Điều 12. Quyền của người giám định tư pháp
1. Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định (sau đây gọi chung là người trưng cầu giám định) cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng giám định.
2. Lựa chọn phương pháp cần thiết và phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định.
3. Sử dụng kết quả xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định.
4. Độc lập đưa ra kết luận giám định.
5. Từ chối giám định trong trường hợp đối tượng giám định, các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định hoặc có lý do chính đáng khác.
6. Được bảo đảm an toàn khi thực hiện giám định hoặc khi tham gia tố tụng với tư cách là người giám định tư pháp.
7. Người giám định tư pháp là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được hưởng phụ cấp và các khoản bồi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
Người giám định tư pháp là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được hưởng thù lao giám định tư pháp.
Chính phủ quy định cụ thể chế độ phụ cấp, bồi dưỡng và thù lao đối với người giám định tư pháp.
8. Các quyền khác theo quy định của pháp luật tố tụng.
Điều 13. Nghĩa vụ của người giám định tư pháp
1. Tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp.
2. Thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định.
3. Thực hiện giám định theo đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan trưng cầu giám định, người trưng cầu giám định biết.
4. Lập hồ sơ giám định.
5. Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu.
6. Bảo quản các mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định.
7. Giữ bí mật về kết quả giám định, thông tin và tài liệu giám định.
8. Từ chối giám định trong những trường hợp quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh này.
9. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan.
10. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trên đây là nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật