Nguyên tắc sử dụng nguồn tài chính trong các đơn vị khai thác công trình thủy lợi
Nguyên tắc sử dụng nguồn tài chính trong các đơn vị khai thác công trình thủy lợi được quy định tại Điều 7 Thông tư 73/2018/TT-BTC hướng dẫn sử dụng nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:
1. Đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Thủy lợi.
2. Phân định rõ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, các công trình được hình thành bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tại doanh nghiệp được chủ sở hữu giao quản lý sử dụng và khai thác.
3. Sử dụng đúng mục đích, đúng các chính sách, chế độ, định mức của nhà nước quy định, đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật,
4. Đảm bảo tuân thủ pháp luật chuyên ngành về tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Điều lệ doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ doanh nghiệp. Đối với hợp tác xã thực hiện theo Luật Hợp tác xã, Điều lệ hợp tác xã. Đối với tổ hợp tác và cá nhân thực hiện theo quy định pháp luật về tổ hợp tác và pháp luật dân sự.
5. Đối với chi phí sửa chữa lớn
a) Nguồn kinh phí sửa chữa lớn tài sản cố định bao gồm phần tính trong kết cấu giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và phần ngân sách nhà nước hỗ trợ (kinh phí bảo trì);
b) Đơn vị khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch hàng năm kinh phí sửa chữa lớn tài sản cố định báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, phê duyệt trong đó nêu rõ tổng số kinh phí cần sửa chữa, nguồn sửa chữa được tính trong kết cấu giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước:
- Đối với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi thuộc trung ương quản lý được hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương;
- Đối với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi thuộc địa phương quản lý được hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương (nếu có);
c) Kinh phí sửa chữa lớn tài sản cố định được quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán thực hiện theo pháp luật về đầu tư xây dựng. Kinh phí sửa chữa lớn tài sản chỉ được dùng để sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, không được dùng vào việc khác, không được chuyển thành lãi của đơn vị khai thác công trình thủy lợi. Trường hợp không dùng hết thì kết chuyển kinh phí sang năm sau để tiếp tục thực hiện công tác sửa chữa lớn.
6. Đối với chi phí khấu hao tài sản cố định
a) Việc trích khấu hao tài sản cố định của đơn vị khai thác công trình thủy lợi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013; Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13 tháng 10 năm 2016; Thông tư số 28/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và pháp luật khác có liên quan;
b) Các tài sản cố định sau đây của đơn vị khai thác công trình thủy lợi không phải trích khấu hao, chỉ mở sổ chi tiết theo dõi giá trị hao mòn hàng năm của từng tài sản và không được ghi giảm nguồn vốn hình thành tài sản:
- Tài sản là máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, tài sản được xây đắp bằng đất, xây đúc bằng bê tông của các công trình trực tiếp phục vụ tưới nước, tiêu nước, cấp nước (như hồ, đập, kênh, mương...);
- Máy bơm nước từ 8.000m3/giờ trở lên cùng với vật kiến trúc để sử dụng vận hành công trình;
c) Việc trích khấu hao tài sản cố định của đơn vị khai thác công trình thủy lợi áp dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng.
Trên đây là tư vấn về nguyên tắc sử dụng nguồn tài chính trong các đơn vị khai thác công trình thủy lợi. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 73/2018/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật