Đàm phán thỏa thuận hợp tác quốc tế của ngành Tòa án được quy định như thế nào?
Đàm phán thỏa thuận hợp tác quốc tế của ngành Tòa án được quy định tại Điều 14 Quyết định 2490/QĐ-TTCB năm 2011 về Quy chế Quản lý hoạt động đối ngoại của ngành Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
- Sau khi xác định được đối tác nước ngoài, căn cứ vào phạm vi nội dung các vấn đề trong dự thảo thỏa thuận hợp tác quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với đơn vị liên quan dự kiến thành phần tham gia đàm phán với đối tác nước ngoài trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định. Trong trường hợp pháp luật quy định hoặc xét thấy cần có đại diện các Bộ, ngành tham gia đàm phán, Vụ Hợp tác quốc tế có trách nhiệm trao đổi, thống nhất trước về nội dung thỏa thuận hợp tác quốc tế với đại diện các Bộ, ngành tham gia đàm phán, mời đại diện Bộ, ngành liên quan tham gia đàm phán.
Nếu vấn đề đàm phán thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch nước, Vụ Hợp tác quốc tế làm tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Chánh án trình Chủ tịch nước xem xét trước khi tiến hành đàm phán.
- Trong quá trình đàm phán, nếu phát sinh vấn đề phức tạp hoặc thay đổi nội dung văn bản thỏa thuận hợp tác quốc tế đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt, Trưởng đoàn đàm phán có trách nhiệm báo cáo và xin ý kiến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; nếu vấn đề thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước thì báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước quyết định.
- Kết quả đàm phán được ghi thành văn bản để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, Trưởng đoàn đàm phán có thể tiến hành ký tắt vào dự thảo văn bản thỏa thuận hợp tác quốc tế để ghi nhận kết quả đàm phán, hoặc ký biên bản riêng về kết quả đàm phán.
Trong trường hợp nội dung của dự thảo có liên quan đến các Bộ, ngành, Trưởng đoàn đàm phán gửi kết quả đàm phán cho các Bộ, ngành đó trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc đàm phán.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật