Pháp luật có bắt buộc người nhận con nuôi phải hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi hay không?
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
Việc nuôi con nuôi phải được thực hiện trên các nguyên tắc sau:
- Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.
- Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
- Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
Pháp luật đồng thời quy định các trường hợp nào thì cá nhân được nhận con nuôi, trong các trường hợp nào thì cá nhân không được nhận con nuôi.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Căn cứ quy định trên đây thì có thể xác định được pháp luật nước ta quy định người nhận con nuôi bắt buộc phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên - Tức là người nhận con nuôi phải hơn con nuôi ít nhất là 20 tuổi.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng thì không áp dụng quy định người nhận con nuôi bắt buộc phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật