Nội dung điều tra, đánh giá di sản kinh tế địa chất (ký hiệu Kiểu H)
Nội dung điều tra, đánh giá di sản kinh tế địa chất (ký hiệu Kiểu H) được quy định tại Mục 8 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 50/2017/TT-BTNMT về quy định nội dung công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, cụ thể:
1. Giá trị khoa học và giáo dục về địa chất:
a) Vị trí, không gian phân bố: tọa độ địa lý; địa danh (thôn, bản, xã, huyện, tỉnh) của các điểm, khu vực có di sản;
b) Đặc điểm địa chất, tính đa dạng địa chất:
- Mô tả chi tiết các dạng địa hình, yếu tố cảnh quan tạo nên di sản (núi, sông, đầm, hồ, kênh, rạch,…), kể cả các yếu tố tự nhiên, nhân tạo: hình dạng, kích thước, cảnh quan, môi trường;
- Đặc điểm các thành tạo địa chất, khoáng sản xung quanh và trọng khu vực tạo nên di sản;
- Số lượng các loại khoáng sản đã khai thác, giá trị kinh tế;
- Lịch sử quá trình hình thành di sản: các giai đoạn thăm dò, khai thác khoáng sản, phục hồi môi trường;
- Thu thập, thống kê có bao nhiêu yếu tố, dạng địa hình nhân tạo, tự nhiên tạo nên di sản;
- Bao nhiêu vị trí về đá, quặng, khoáng vật được lưu giữ.
c) Ý nghĩa khoa học và giáo dục về địa chất:
- Thu thập các thông tin điển hình đặc trưng về di sản: thông tin về loại hình mỏ, sản lượng đã khai thác;
- Đặc trưng về phương pháp, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường;
- Đặc trưng về phục hồi môi trường sau khai thác.
2. Giá trị thẩm mỹ của di sản địa chất:
a) Làm rõ các đặc điểm độc đáo, hấp dẫn của các yếu tố, địa hình, cảnh quan của di sản;
b) Chỉ dẫn, thuyết minh về đặc điểm địa chất và lịch sử hình thành di sản để cung cấp kiến thức và hấp dẫn người xem.
3. Tiềm năng khai thác, sử dụng:
Đánh giá khả năng khai thác:
a) Phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục về địa chất;
b) Phục vụ du lịch: tính đặc trưng, dễ nhận biết, giá trị thẩm mỹ, sức hấp dẫn, giá trị kinh tế; vị trí địa lý (mức độ thuận tiện về đi lại).
4. Các mối đe dọa và nhu cầu bảo tồn:
a) Các mối đe dọa tự nhiên (lũ lụt, sạt lở,…); nhân tạo (làm đường, xây dựng công trình,…);
b) Mức độ cần thiết bảo tồn trên cơ sở giá trị và sự bền vững của di sản, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch.
Trên đây là tư vấn về nội dung điều tra, đánh giá di sản kinh tế địa chất (ký hiệu Kiểu H). Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 50/2017/TT-BTNMT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật