Có được phép hủy hóa đơn GTGT khi khách hàng không lấy không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Thông tư 39/2014/TT-BTC thì các trường hợp được hủy hóa đơn bao gồm:
a) Hóa đơn đặt in bị in sai, in trùng, in thừa phải được hủy trước khi thanh lý hợp đồng đặt in hóa đơn.
b) Tổ chức, hộ, cá nhân có hóa đơn không tiếp tục sử dụng phải thực hiện hủy hóa đơn. Thời hạn hủy hóa đơn chậm nhất là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế. Trường hợp cơ quan thuế đã thông báo hóa đơn hết giá trị sử dụng (trừ trường hợp thông báo do thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế), tổ chức, hộ, cá nhân phải hủy hóa đơn, thời hạn hủy hóa đơn chậm nhất là mười (10) ngày kể từ ngày cơ quan thuế thông báo hết giá trị sử dụng hoặc từ ngày tìm lại được hóa đơn đã mất.
c) Các loại hóa đơn đã lập của các đơn vị kế toán được hủy theo quy định của pháp luật về kế toán.
d) Các loại hóa đơn chưa lập nhưng là vật chứng của các vụ án thì không hủy mà được xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin Anh/Chị cung cấp, trường hợp của mình không được phép hủy hóa đơn.
Và theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC (Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC) thì:
...
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.
Như vậy, khi bán hàng nếu có giá trị từ 200.000 đồng trở lên thì Anh/Chị phải xuất hóa đơn (dù khách hàng không lấy hóa đơn) và vẫn kê khai thuế như hóa đơn bán ra bình thường.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc hủy hóa đơn GTGT khi khách hàng không lấy. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 39/2014/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật