Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giáo dục
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giáo dục được quy định tại Điều 99 và Điều 100 Luật Giáo dục 1998 như sau:
Điều 99. Nhiệm vụ của Thanh tra giáo dục
Thanh tra giáo dục có những nhiệm vụ sau đây:
1. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục ;
2. Thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế chuyên môn; quy chế thi cử, cấp văn bằng, chứng chỉ; việc thực hiện các quy định về điều kiện cần thiết bảo đảm chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục;
3. Xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về hoạt động giáo dục; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục;
4. Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về giáo dục; đề nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách và quy định của Nhà nước về giáo dục.
Điều 100. Quyền hạn của Thanh tra giáo dục
Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra giáo dục có những quyền hạn sau đây:
1. Yêu cầu đương sự và các bên có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ và trả lời những vấn đề cần thiết có liên quan trực tiếp đến việc thanh tra;
2. Lập biên bản thanh tra, kiến nghị biện pháp giải quyết đối với những sai phạm;
3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giáo dục. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Giáo dục 1998.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật