Bác sĩ đông y có được bán thuốc cho người bệnh hay không?

Tôi được biết thì pháp luật quy định bác sĩ (người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh) không được bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức. Vậy tại sao tôi lại thấy có nhiều người là Bác sĩ đông y vẫn được bán thuốc, bóc thuốc cho người bệnh. Có phải đây là trường hợp ngoại lệ hay không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thì người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có quyền và nghĩa vụ cụ thê theo quy định của pháp luật.

Các hành vi của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà có thể tác động tiêu cực đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đều bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì pháp luật nghiêm cấm người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sỹ đông y, y sỹ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền.

Mặt khác, tại Điểm a Khoản 4 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Như vậy, căn cứ các quy định được trích dẫn cũng như các phân tích trên đây thì về nguyên tắc người hành nghề khám chữa bệnh không được bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định thì người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh vẫn được bán thuốc cho người bệnh, cụ thể là:

- Bác sỹ đông y;

- Y sỹ đông y;

- Lương y;

- Người có bài thuốc gia truyền.

Do đó, có thể xác định bác sĩ đông y thuộc đối tượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện hoạt động bán thuốc cho người bệnh.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào