Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước. Vậy Quốc hội thực hiện nhiệm vụ quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan, thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt như thế nào? LS có thể giải đáp thắc mắc này không? Xin cảm ơn Đăng Nguyên (nguyen***@gmail.com)

Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được thực hiện theo quy định tại Điều 44 Nội quy kỳ họp quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13 như sau:

1. Hồ sơ trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan bao gồm:

a) Tờ trình về thành lập, bãi bỏ cơ quan;

b) Đề án thành lập, bãi bỏ cơ quan;

c) Báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập, bãi bỏ cơ quan;

d) Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan;

đ) Dự thảo nghị quyết thành lập, bãi bỏ cơ quan;

e) Báo cáo thẩm tra về việc thành lập, bãi bỏ cơ quan.

2. Hồ sơ trình Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt bao gồm các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật tổ chức chính quyền địa phương và báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật hoặc Ủy ban lâm thời về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

3. Quốc hội thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo trình tự sau đây:

a) Chính phủ trình Quốc hội thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và dự thảo nghị quyết;

b) Ủy ban pháp luật của Quốc hội hoặc Ủy ban lâm thời do Quốc hội thành lập trình Quốc hội báo cáo thẩm tra;

c) Quốc hội thảo luận. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, đại biểu Quốc hội có thể thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội;

d) Trong quá trình thảo luận, Chính phủ giải trình về những vấn đề liên quan đến việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà đại biểu Quốc hội nêu;

đ) Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Chính phủ, Ủy ban pháp luật của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan, Tổng thư ký Quốc hội nghiên cứu, giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo nghị quyết;

e) Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết;

g) Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Trường hợp Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thành lập, giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại nhiều kỳ họp Quốc hội thì áp dụng trình tự quy định tại Điều 75 và Điều 76 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

4. Quốc hội thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật theo trình tự sau đây:

a) Đại diện cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội việc thành lập, bãi bỏ cơ quan và dự thảo nghị quyết;

b) Ủy ban pháp luật của Quốc hội trình Quốc hội báo cáo thẩm tra;

c) Quốc hội thảo luận. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, đại biểu Quốc hội có thể thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội;

d) Trong quá trình thảo luận, cơ quan có thẩm quyền trình giải trình về những vấn đề liên quan đến việc thành lập, bãi bỏ cơ quan mà đại biểu Quốc hội nêu;

đ) Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Chính phủ, Ủy ban pháp luật của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan, Tổng thư ký Quốc hội nghiên cứu, giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo nghị quyết;

e) Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết;

g) Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập, bãi bỏ cơ quan.

Trên đây là nội dung quy định về việc quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 102/2015/QH13.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đơn vị hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào