Thời điểm xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá
Theo quy định của pháp luật thì đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016. Trừ trường hợp đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá (được quy định cụ thể tại Điều 49 Luật Đấu giá tài sản 2016).
Pháp luật cũng đồng thời quy định giá khởi điểm là giá ban đầu thấp nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên; giá ban đầu cao nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống.
Việc xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản 2016 thì giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định tại thời điểm:
- Trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản;
- Trước khi thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Trước khi tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá.
Đối với tài sản đấu giá là các tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó;
Đối với tài sản đấu giá thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016.
Tài sản đấu giá được giám định theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu của người tham gia đấu giá và được sự đồng ý của người có tài sản đấu giá. Trình tự, thủ tục giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật áp dụng đối với tài sản đó. Trong trường hợp giám định theo yêu cầu thì người yêu cầu thanh toán chi phí giám định.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật