Bố trí tập trung và lên phương tiện cứu sinh, trạm hạ phương tiện cứu sinh trên tàu biển được quy định ra sao?
Bố trí tập trung và lên phương tiện cứu sinh, trạm hạ phương tiện cứu sinh trên tàu biển được quy định tại Tiểu mục 2.2.3 Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 42:2015/BGTVT về Trang bị an toàn tàu biển, cụ thể như sau:
1 Các xuồng cứu sinh và phao bè cứu sinh với thiết bị hạ được thẩm định cần bố trí càng gần khu vực ở và không gian phục vụ càng tốt.
2 Các trạm tập trung và các trạm đưa người lên phương tiện cứu sinh phải gần nhau. Mỗi một trạm tập trung cần có không gian trên boong đủ lớn để chứa tất cả số người được ấn định đến trạm tập trung đó nhưng ít nhất cũng phải có 0,35 m² cho một người.
3 Phải có lối đi dễ dàng từ các khu vực ở và khu vực làm việc đến các trạm tập trung và trạm đưa người lên phương tiện cứu sinh.
4 Các trạm tập trung và trạm đưa người lên phương tiện cứu sinh phải được chiếu sáng bởi nguồn ánh sáng được cung cấp từ nguồn điện sự cố theo yêu cầu ở Phần 4 QCVN 21: 2010/BGTVT.
Đối với các phao bè cứu sinh được yêu cầu bởi 2.4.1-1(4) có thể được phép sử dụng thiết bị chiếu sáng xách tay có khả năng chiếu sáng khu vực cất giữ phao và mặt nước khu vực hạ chúng để thỏa mãn yêu cầu của 2.2.7-7. Thiết bị chiếu sáng xách tay phải được cất giữ cố định trong hộp ở cả hai bên mạn tàu.
5 Các hành lang, cầu thang và lối dẫn đến các trạm tập trung và đưa người lên phương tiện cứu sinh phải được chiếu sáng. Việc chiếu sáng này phải được cung cấp năng lượng từ nguồn điện sự cố theo yêu cầu ở Phần 4 của QCVN 21: 2015/BGTVT.
Ngoài ra, các đường đi đến các trạm tập trung phải được đánh dấu bằng các biểu tượng của trạm tập trung phù hợp với các chỉ dẫn được trình bày trong Phụ lục 2.
6 Các trạm tập trung và trạm đưa người lên phương tiện cứu sinh hạ bằng phương pháp rơi tự do và bằng cần phải bố trí sao cho có thể đưa những người nằm trên cáng vào phương tiện cứu sinh.
7 Tại mỗi trạm đưa người lên phương tiện cứu sinh hoặc tại hai trạm đưa người lên phương tiện cứu sinh kế nhau phải bố trí một thang xuống phương tiện cứu sinh thỏa mãn yêu cầu của 2.6.20-7 có chiều dài đơn kéo dài từ boong đến đường nước khi tàu ở trạng thái tải nhẹ nhất trong điều kiện khi tàu chúi 10° và nghiêng tới 20° về bất kỳ mạn nào. Tuy nhiên Đăng kiểm có thể cho phép thay thế các thang đó bằng các thiết bị được thẩm định để lên phương tiện cứu sinh ở trạng thái nổi, với điều kiện ở mỗi mạn tàu phải có ít nhất một thang nêu trên.
Các phương tiện khác để đưa người lên phương tiện cứu sinh có thể cho phép sử dụng đối với các bè yêu cầu của 2.4.1-1(4). Trong trường hợp này, các lưới thừng dạng thắt nút không được phép sử dụng.
Các thang trên không cần bố trí cho tàu hàng và tàu khách có tổng dung tích dưới 500 mà khoảng cách từ boong xuống phương tiện cứu sinh đến phao bè cứu sinh khi ở dưới nước ở trạng thái nhẹ tải nhất nhỏ hơn 2 m (và nhỏ hơn 1,5 m đối với tàu khách), các thang đó cũng không cần cho các tàu ở đó xuồng cứu sinh là loại hạ rơi tự do từ đuôi tàu.
8 Nếu cần thiết, phải trang bị phương tiện để làm cho phương tiện cứu sinh hạ bằng cần tỳ vào mạn tàu và giữ chúng nằm dọc theo mạn để người có thể lên phương tiện cứu sinh một cách an toàn.
9 Các trạm hạ phải được bố trí ở các vị trí sao cho đảm bảo việc hạ các phương tiện cứu sinh an toàn, có lưu ý đặc biệt đến khoảng cách tới chân vịt và các phần nhô ra quá mức của thân tàu sao cho càng xa càng tốt, trừ các phương tiện cứu sinh được thiết kế đặc biệt để hạ theo phương pháp rơi tự do, thì các phương tiện cứu sinh khác cố gắng bố trí có thể hạ xuống nước ở vùng mạn thẳng của tàu. Nếu được bố trí ở phía trước của tàu, các phương tiện cứu sinh phải bố trí ở một vị trí được che chắn phía sau vách chống va, trong trường hợp này cần thiết phải đặc biệt quan tâm đến sức bền của thiết bị hạ.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật