Các trường hợp không thụ lý giải quyết tố cáo
Theo quy định của pháp luật thì việc thu tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Khi nhận được tin tố cáo (bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp) thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo (Bước đầu tiên trong quá trình giải quyết tố cáo).
Trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cơ quan giải quyết tố cáo phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Tố cáo 2011 thì người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo trong các trường hợp sau đây:
- Tố cáo về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới;
- Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật;
- Tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.
Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, nếu có yêu cầu. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật