Các khu vực bảo vệ di tích theo Luật di sản văn hóa 2001
Theo quy định của pháp luật thì di sản văn hoá bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước ta.
Căn cứ vào giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh (di tích) được chia thành:
- Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương;
- Di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia;
- Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia.
Các khu vực di tích phải được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật di sản văn hóa 2001 thì các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:
- Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng;
- Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, đối với di tích cấp tỉnh phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Các khu vực bảo vệ được xác định trên bản đồ địa chính, kèm theo biên bản khoanh vùng bảo vệ và phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trong hồ sơ di tích.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật