Chính sách thôi việc sau khi đi học nghề đối với các đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 108
Chính sách thôi việc sau khi đi học nghề đối với các đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 108 được quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế do Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành như sau:
Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, có nguyện vọng đi học nghề để tự tìm việc làm mới, thì được hưởng các chế độ sau:
1. Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng.
2. Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề.
3. Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 03 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm.
4. Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng).
5. Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính là thời gian thâm niên để nâng lương hàng năm.
Ví dụ 7: Ông Nguyễn Văn Q, 35 tuổi, có hệ số lương ngạch, bậc hiện hưởng theo mã ngạch 01.003, bậc 3 (3,00) từ ngày 01/5/2013, có thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội 8 năm 9 tháng. Ông Q thuộc diện tinh giản biên chế, nhưng có nguyện vọng đi học nghề trong 5 tháng, lệ phí học nghề là 9.000.000 đồng từ ngày 01/02/2015. Sau khi học xong, ngày 01/7/2015, ông Q được giải quyết cho thôi việc.
- Tiền lương tháng hiện hưởng là: 3,00 x 1.150.000 đồng = 3.450.000 đồng.
- Tiền lương tháng để tính trợ cấp thôi việc theo thâm niên công tác cho ông Q được tính bằng bình quân tiền lương thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) kể từ 01/7/2010 đến 30/6/2015.
- Diễn biến hệ số lương, mức tiền lương theo ngạch, bậc của ông Q từ 01/7/2010 đến 30/6/2015 như sau:
+ Từ ngày 01/7/2010 đến 30/4/2011 (10 tháng), hệ số lương mã ngạch 01.003 bậc 2 (2,67). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 1.949.100 đồng;
+ Từ ngày 01/5/2011 đến 30/4/2012 (12 tháng), hệ số lương mã ngạch 01.003 bậc 2 (2,67). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 2.216.100 đồng;
+ Từ ngày 01/5/2012 đến 30/4/2013 (12 tháng), hệ số lương mã ngạch 01.003 bậc 2 (2,67). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 2.803.500 đồng;
+ Từ ngày 01/5/2013 đến 30/6/2013 (02 tháng), hệ số lương mã ngạch 01.003 bậc 3 (3,0). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 3.150.000 đồng;
+ Từ ngày 01/7/2013 đến 30/6/2015 (24 tháng), hệ số lương mã ngạch 01.003 bậc 3 (3,0). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 3.450.000 đồng.
- Tiền lương thực lĩnh của 05 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản biên chế là: (1.949.100 đồng x 10 tháng + 2.216.100 đồng x 12 + 2.803.500 đồng x 12 tháng + 3.150.000 đồng x 2 tháng + 3.450.000 đồng x 24 tháng)/60 = 2.813.770 đồng.
- Số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính trợ cấp là 8 năm 9 tháng + 5 tháng đi học nghề = 9 năm 2 tháng, làm tròn là 9 năm.
- Ông Q được hưởng các khoản trợ cấp sau:
+ Được hưởng 5 tháng tiền lương hiện hưởng trong thời gian đi học nghề: 5 x 3.450.000 đồng = 17.250.000 đồng;
+ Trợ cấp 9.000.000 đồng để đóng phí học nghề cho cơ sở dạy nghề;
+ Sau khi kết thúc học nghề, ông Q được trợ cấp:
03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc: 3 tháng x 3.450.000 đồng = 10.350.000 đồng;
Trợ cấp thôi việc theo thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội: 1/2 x 2.813.770 đồng x 9 năm = 12.661.965 đồng.
Trên đây là nội dung quy định về chính sách thôi việc sau khi đi học nghề đối với các đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 108. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-BNV-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật