Quy định về tổ chức hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh

Tôi có một chút thắc mắc cần được giải đáp, tổ chức hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thành lập theo quy định như thế nào? Điều kiện của hòa giải viên? Trách nhiệm quyền hạn của tổ chức hòa giải? Mong anh chị tư vấn giúp tôi, cảm ơn anh chị.

Theo quy định tại Điều 31, Điều 32 và Điều 33 Nghị định 99/2011/NĐ-CP thì:

Thẩm quyền thành lập, giải thể tổ chức hòa giải được trao cho các cơ quan sau:

1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về hòa giải viên:

- Công dân Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây có thể làm Hòa giải viên:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực;

+ Có ít nhất năm (05) năm kinh nghiệm công tác.

- Người đang bị quản chế hành chính, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích không được làm Hòa giải viên.

Trong quá trình hoạt động, tổ chức hòa giải có trách nhiệm sau:

- Thực hiện đúng quy định của pháp luật.

- Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên; không được đe dọa, cưỡng ép các bên trong quá trình hòa giải.

- Đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến nội dung hòa giải và các thông tin khác của các bên tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

- Không được lợi dụng việc hòa giải để gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hòa giải.

- Không được hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng hoặc có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn về quy định tổ chức hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Trân trọng!

Hồ Văn Ngọc

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào