Có được thông thầu hay không?

Pháp luật có quy định về thông thầu. Vậy pháp luật về đấu thầu của nước ta hiện nay có cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu được thực hiện hành vi "Thông thầu" hay không? Rất mong nhận được sự phản hồi trong thời gian sớm nhất. Xin cảm ơn rất nhiều.

Theo quy định của pháp luật hiện nay thì đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Hoạt động đấu thầu phải diễn ra một cách công khai, minh bạch và đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh.

Các hành vi có thể tác động tiêu cực đến hoạt động đấu thầu hoặc vi phạm các nguyên tắc chung trong hoạt động đầu thầu đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo đó, Pháp luật cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi được quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013.

Tại Điều này có quy định nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

- Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

- Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;

- Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

Như vậy, các tổ chức, cá nhân có hành vi thông thầu (trích dẫn trên đây) đều bị xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 và Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

Người nào thực hiện hành vi thông thầu, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

- Vì vụ lợi;

- Có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

- Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào