Thông thầu là gì?
Pháp luật nước ta hiện hành không có quy định cụ thể như thế nào là thông thầu và cũng không giải thích thuật ngữ "Thông thầu" là gì?
Tuy nhiên, Tại Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 có quy định các hành vi sau đây được xác định là thông thầu:
- Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;
- Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;
- Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.
Căn cứ các hành vi trên đây thì có thể hiểu nôm na thông thầu là hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, dàn xếp kết quả đấu thầu giữa các bên tham gia nhằm tạo ra sự bất bình đẳng và gian dối trong hoạt động đấu thầu.
Các hành vi thông thầu đều bị pháp luật nghiêm cấm. Các tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 và Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Người nào thực hiện hành vi thông thầu, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
- Vì vụ lợi;
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
- Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật