Người mắc bệnh truyền nhiễm có được từ chối chữa bệnh?
Tại Điều 12 Luật khám chữa bệnh năm 2009 quy định về Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
"1. Được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này.
2. Được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của người hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này."
Theo quy định tại Luật trên, người bệnh được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị và được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị.
Để từ chối chữa bệnh hoặc ra khỏi cơ sở khám chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị thì người bệnh phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối hoặc ra khỏi của mình.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 166 Luật khám chữa bệnh 2009, Các trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Luật này bao gồm:
"a) Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
b) Bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác theo quy định của pháp luật."
Như vậy, những người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm không được từ chối chữa bệnh và phải bắt buộc chữa bệnh để đảm bảo vệ sức khỏe của người bệnh và mọi người xung quanh.
Trên đây là nội dung tư vấn về thắc mắc của bạn. Hy vọng có thể giúp bạn tháo gỡ phần nào vướng mắc.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc