Giấy tờ công chứng, chứng thực tại Văn phòng công chứng giả sẽ được xử lý như thế nào?
Theo quy định pháp luật hiện nay thì công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Còn chứng thực văn bản, giao dịch, hợp đồng là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực (chứng thực chữ ký), chứng thực hiện trạng của các bên hợp đồng, giao dịch, không đề cập đến nội dung hợp đồng.
Việc công chứng, chứng thực các văn bản, giao dịch, hợp đồng phải được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các tổ chức hành nghề công chứng được thành lập và hoạt động theo Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bao gồm: Phòng công chứng và Văn phòng công chứng.
Các văn bản, giao dịch, hợp đồng được công chứng, chứng thực tại các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng không được thành lập và hoạt động theo Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (Phòng công chứng và Văn phòng công chứng giả) về mặc pháp lý thì đều bị coi là vô hiệu.
Tuy nhiên, không phải tất cả các văn bản, giao dịch, hợp đồng (giao dịch) được công chứng, chứng thực tại Phòng công chứng và Văn phòng công chứng giả đều không có hiệu lực pháp luật. Mà tựu chung lại có hai trường hợp sau đây:
1. Trường hợp thứ nhất: Các giao dịch mà theo quy định của pháp luật bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực
Các giao dịch phải công chứng, chứng thực được quy định tại các văn bản chuyên ngành khác nhau. Thường những giao dịch sau đây phải thực hiện được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực:
- Các giao dịch, loại hợp đồng liên quan đến nhà ở;
- Các giao dịch, loại hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liên với đất không phải là nhà ở;
- Các loại văn bản về thừa kế;
- Các văn bản thỏa thuận liên quan đến hôn nhân và gia đình như: thoả thuận xác lập chế độ tài sản; thoả thuận về việc chia tài sản chung;...
- ....
Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 thì các giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong một số trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Như vậy, đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải các giao dịch phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì đây là yêu cầu bắt buộc để giao dịch đó có giá trị pháp lý.
Mà theo các căn cứ pháp lý và các trích dẫn trên đây thì việc công chứng, chứng thực đối với các giao dịch đó phải được thực hiện tại các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được thành lập và hoạt động theo Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan thì mới có giá trị pháp lý.
Do đó, các giao dịch được công chứng, chứng thực tại Phòng công chứng và Văn phòng công chứng giả đều bị vô hiệu và không có giá trị pháp lý.
Các tổ chức, cá nhân đã thực hiện công chứng, chứng thực đối với các giao dịch mà theo quy định của pháp luật bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực tại các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng giả thì nhanh chóng liên hệ với với các Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng có thẩm quyền để được giải quyết.
Đối với các giao dịch mà các bên đã chuyển giao tài sản cho nhau thì thực hiện thỏa thuận lại và đến Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng có thẩm quyền để thực hiện lại thủ tục công chứng, chứng thực hoặc hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc một bên không chấp nhận hoàn trả lại cho bên kia những gì đã nhận thì có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định của pháp luật. Khi đó, các bên chịu trách nhiệm thi hành theo phán quyết của Tòa án.
2. Trường hợp thứ hai: Các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không bắt buộc phải công chứng, chứng thực
Ngoài các giao dịch mà pháp luật bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng chứng thực kể trên, thì pháp luật khuyến khích thực hiện việc công chứng, chứng thực để đảm bảo không gặp các vướng mắc pháp lý trong quá trình thực hiện cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc giải quyết các tranh chấp xảy ra trong tương lai. Việc công chứng, chứng thực trong trường hợp này được thực hiện dựa trên sự tự nguyện của tô chức, cá nhân, sự thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch.
Các giao dịch mà pháp luật không bắt buộc phải công chứng, chứng thực có thể kể đến như sau:
- Hợp đồng cho vay không có tài sản bảo đảm;
- Hợp đồng cho thuê nhà;
- Hợp đồng ủy quyền giữa cá nhân;
- Hợp đồng đặc cọc;
- ...
Đối với các loại giao dịch không bắt buộc phải công chứng, chứng thực thì việc có công chứng, chứng thực hay không cũng không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch.
Do đó, đối với các giao dịch mà các bên tham gia giao dịch đã thực hiện công chứng, chứng thực tại các Phòng công chứng giả hoặc Văn phòng công chứng giả vẫn có hiệu lực nếu đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự.
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự cụ thể như sau:
+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Còn về phần trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến hoạt động của các Phòng công chứng giả hoặc Văn phòng công chứng giả thì các Sở, ban, ngành tổ chức phối hợp với cơ quan công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật