Nguyên tắc xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi HTX giải thể, phá sản
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 31/2018/TT-BTC về hướng dẫn việc xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, nguyên tắc xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi HTX giải thể, phá sản được quy định như sau:
1. Để sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí tài sản, khi HTX giải thể, phá sản việc xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn được thực hiện theo trình tự: trước tiên thực hiện bàn giao cho hợp tác xã hoặc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (sau đây viết tắt là tổ chức nhà nước) trong đó ưu tiên bàn giao cho các HTX khác nằm trên địa bàn nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn; nếu không thực hiện bàn giao được (bao gồm cả trường hợp ngân sách không bố trí được kinh phí để hoàn trả HTX theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư này) thì thực hiện chuyển nhượng hoặc thanh lý tài sản cho tất cả các đối tượng có nhu cầu sử dụng; thanh lý tài sản thực hiện trong trường hợp tài sản đã hết khấu hao, lạc hậu, bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả.
2. HTX giải thể, sau khi có giấy xác nhận về việc giải thể HTX và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký HTX (đối với giải thể tự nguyện) và có quyết định giải thể (đối với giải thể bắt buộc), trên cơ sở báo cáo tài chính do HTX lập tại thời điểm giải thể và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, Hội đồng giải thể cùng với cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX và các cơ quan khác có liên quan thực hiện:
a) Kiểm kê tài sản; xác định rõ nguồn gốc hình thành tài sản, tách riêng phần giá trị tài sản không chia; xác định tỷ lệ phần vốn hỗ trợ, trợ cấp của nhà nước, vốn từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của HTX, vốn từ khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia, vốn tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia và tỷ lệ vốn đóng góp của các thành viên HTX trên nguyên giá của tài sản; xác định giá trị còn lại của tài sản theo sổ sách;
b) Tổ chức định giá tài sản không chia (đối với tài sản chưa được hạch toán trên sổ kế toán trong trường hợp bàn giao tài sản) và đối với những tài sản thực hiện phương thức chuyển nhượng, thanh lý tài sản bằng hình thức thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá hoặc thành lập Hội đồng định giá (trong trường hợp không thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định).
3. Khi HTX phá sản, Hội đồng quản trị HTX phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX và các cơ quan khác có liên quan, cùng với quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý tài sản, thanh lý của HTX phá sản để tiếp nhận, kiểm kê, phân loại, đánh giá tài sản theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
4. Đối với tài sản không chia của HTX là quyền sử dụng đất do Nhà nước giao, cho thuê đất thì thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.
5. Trường hợp tài sản không còn hồ sơ, tài liệu để xác định nguồn gốc tài sản hoặc tỷ lệ từng loại nguồn vốn hình thành tài sản thì được xem như là tài sản không chia hình thành từ vốn hỗ trợ, trợ cấp của nhà nước và xử lý theo quy định điểm a, khoản 1 Điều 21 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
6. Việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về Nguyên tắc xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi HTX giải thể, phá sản. Để hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 31/2018/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật